Nhật Bản 'khát' lao động Việt Nam

14695492 719504854864550 3317278992293504515 n 1

14695492 719504854864550 3317278992293504515 n 1

Nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam của Nhật Bản đang tăng đột biến, đặc biệt là lao động xây dựng phục vụ các công trình thể thao Olympic 2020

     Nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam của Nhật Bản đang tăng đột biến, đặc biệt là lao động xây dựng phục vụ các công trình thể thao Olympic 2020 

 

 

1. Tăng đột biến

 

     Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 6 tháng qua, bình quân mỗi tháng có trên 1.200 thực tập sinh cung ứng sang Nhật Bản. Hiện cục đang thẩm định hợp đồng của hàng chục doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ), trong đó nhiều hợp đồng đăng ký tuyển dụng với số lượng lớn, từ 50-100 người (trước đây mỗi hợp đồng chỉ vài người).

     Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Esuhai, cho biết trong 6 tháng qua, khoảng 400 lao động do Esuhai tuyển chọn trúng tuyển sang Nhật, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến trong năm nay, Esuhai sẽ đưa trên 700 người sang Nhật Bản. “Việc giảm lao động Trung Quốc và nhu cầu nhân lực phục vụ các công trình thể thao Olympic 2020 đã làm tăng đột biến nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam. Chúng tôi cũng đã ký kết hợp đồng với một số đối tác Nhật Bản cung ứng lao động xây dựng phục vụ sự kiện thể thao lớn này” - ông Sơn nói.

     Trong khi đó, Công ty CP Xây lắp Thương mại Hà Tĩnh (Haindeco) cũng vừa ký kết hợp đồng cung ứng lao động sang Nhật Bản làm việc ở lĩnh vực xây dựng và trang trí nội thất với Tập đoàn Nohara của Nhật Bản. Trong khuôn khổ hợp tác, Haindeco cung ứng 1.000 lao động cho Tập đoàn Nohara để làm việc ở các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang trí nội thất và các công trình xây dựng, trong đó có các công trình thể thao của Olympic 2020. Đầu tháng 7 vừa qua,  Haindeco tại TP HCM và Tập đoàn Nohara cũng đã phối hợp khai giảng khóa đào tạo đầu tiên cho 60 người ở lĩnh vực trang trí nội thất.

 

2. Phải tạo nguồn, giáo dục định hướng

 

     Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho rằng tình hình đưa thực tập sinh sang Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội tốt để các DN đẩy mạnh khai thác thị trường XKLĐ hấp dẫn này. Dù vậy, sẽ phát sinh nhiều phức tạp, rủi ro cho người lao động (NLĐ) nếu DN vì chạy theo đơn hàng mà không làm kỹ khâu tuyển chọn, tạo nguồn, đào tạo lao động.

     Ông Lê Long Sơn cho rằng do nhu cầu lao động cao, đặc biệt ở lĩnh vực xây dựng nên vừa qua, một số doanh nhân Nhật Bản chuyển hướng mở nghiệp đoàn, công ty môi giới lao động. Do đó, các DN cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký kết hợp đồng để phòng tránh rủi ro. Cũng theo ông Sơn, điều kiện tuyển dụng lao động xây dựng ở thị trường Nhật Bản khác nhiều so với các nước Trung Đông nên đòi hỏi phải làm tốt công tác tạo nguồn, đào tạo lao động, giáo dục định hướng. Bên cạnh đó, do tính chất thời vụ của ngành xây dựng nên các DN cũng phải đàm phán, có điều khoản ràng buộc nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

     Ông Vũ Minh Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Sovilaco, khuyến cáo các DN cần thận trọng trước việc tuyển thực tập sinh xây dựng sang Nhật Bản. “Đến giờ, chúng tôi vẫn cân nhắc việc có ký hợp đồng cung ứng lao động ngành này hay không. Đây là lĩnh vực đặc thù, vốn có nhiều rủi ro, nếu không thận trọng, cứ thấy có nhu cầu là nhảy vào làm, tuyển dụng vội vàng thì khó tránh thất bại” - ông Xuyên nói. 

 

 

3. Tăng thời hạn cho lao động xây dựng

 

     Dự kiến trong tháng 7 này, chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định việc tăng thời hạn làm việc của thực tập sinh nước ngoài ở lĩnh vực xây dựng từ 3 năm lên 5 năm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động xuyên suốt cho các công trình của Olympic 2020. Tuy nhiên, vì một số lý do, thời điểm công bố tăng thời hạn có thể lùi lại một vài tháng. Theo ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Haindeco tại TP HCM, trong trường hợp sang Nhật Bản trước khi có sự điều chỉnh này, hợp đồng của NLĐ vẫn chỉ có thời hạn 3 năm và sẽ được gia hạn thêm 2 năm sau khi hết hạn hợp đồng ban đầu.